Trong Tam Quốc diễn nghĩa Trận_Di_Lăng

Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung coi nguyên nhân chính khiến Lưu Bị đánh Ngô vì căm giận Tôn Quyền đã giết Quan Vũ và chí báo thù muốn giết bằng được Tôn Quyền của Lưu Bị khiến ông mất hết sáng suốt. Ông đã dốc hết 70 vạn quân trong nước ra mặt trận. Lão tướng Hoàng Trung cũng vì tham chiến bị tử trận lúc đầu khiến thù Thục-Ngô càng chồng chất.

Các con Quan Vũ và Trương Phi là Quan Hưng, Trương Bào làm tướng ra trận, giết được tướng Ngô đã hại Quan Vũ là Phan ChươngMã Trung.

Nhưng ngay cả khi Tôn Quyền giết các hung thủ sát hại Trương Phi như Phạm Cương, Trương Đạt mang nộp Lưu Bị, lại hứa trả lại Kinh châu và đưa Tôn phu nhân sang cho Lưu Bị; Lưu Bị vẫn không chấp nhận và quyết giết cho được Tôn Quyền. Mao Tông Cương khi bình giảng Tam Quốc diễn nghĩa cũng nhận xét về Lưu Bị là "quá quắt", đồng thời lý giải rằng điều đó đề cao tình nghĩa huynh đệ của ông mà không ai có thể sánh được[26].

Tuy nói Lưu Bị mang 70 vạn quân đánh Ngô, La Quán Trung vẫn trung thành với một số tình tiết sử học khi nói mô tả diễn biến trận đánh, như đề cập tới việc Lưu Bị chỉ có 8000 tinh binh mà ông dự định dùng để mai phục khi nhử quân Ngô ra trận (không thành công).

Khi Lưu Bị lập liên trại cách nhau tới 700 dặm, Mã Lương đã về Thành Đô hỏi ý kiến Khổng Minh. Khổng Minh dậm chân than thở quân Thục sẽ thua lớn. Mã Lương trở lại mặt trận không kịp, đúng lúc Lục Tốn đã nổi lửa thiêu quân Thục.

Các tướng phá vây hộ vệ Lưu Bị không phải Trương Nam, Phùng Tập, Phó Đồng mà là Quan Hưng, Trương Bào và Phó Đồng. Chỉ có Trình Kỳ tự sát được mô tả như trong sử sách. Trương Nam, Phùng Tập được mô tả vây đánh Di Lăng không thành, quay lại cứu Lưu Bị thì bị quân Ngô giết. Triệu Vân xung trận cứu Lưu Bị và giết được Chu Nhiên.

Tôn phu nhân ở nước Ngô nghe tin đồn Lưu Bị tử trận, nên đâm đầu xuống sông tự vẫn.

Với hư cấu về số quân đông đảo của Thục Hán, trận chiến này, dưới lăng kính của Tam Quốc diễn nghĩa, được nhìn nhận là trận đánh quy mô lớn thứ 2 mà Đông Ngô đã dùng số quân ít đánh thắng số quân nhiều, sau trận Xích Bích. Do đó, thất bại của Lưu Bị càng trầm trọng hơn và chiến thắng cũng bằng hỏa công của Lục Tốn được Mao Tông Cương viết trong lời bình đánh giá ca ngợi, coi ngang với công trạng của Chu Du trong trận Xích Bích.